Bùi Hiển (sinh ngày 22 tháng 11 năm 1919) là một nhà văn Việt Nam, từng tham gia cộng tác với nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với tác phẩm Nằm vạ (1941) khi mới 22 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Bùi Hiển (nguon internet)

Tiểu sử: Ông sinh tại làng Phú Nghĩa Hạ, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bùi Hiển theo học trường quốc học Vinh (nay là trường Huỳnh Thúc Kháng). Ông ở trọ cùng nhà với một người bạn mê đọc văn học Pháp, tên là Hồ Phi Thức. Ông Hồ Phi Thức thường thức rất khuya đọc sách. Dần dần Bùi Hiển cũng mê lây thói quen đọc sách văn học của Hồ Phi Thức. Trong thời gian này, văn học Việt Nam đang cách tân mạnh mẽ và nở rộ với nhiều sắc thái mới mẻ. Bùi Hiển hăm hở tìm đọc Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng…

  • Vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, ông sớm được tiếp xúc với văn hóa Pháp, chịu ảnh hưởng nhiều của nhóm Tự Lực văn đoàn. Khởi đầu sự nghiệp văn chương, ông đăng các truyện ngắn trên tạp chí Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan như Nằm vạ (1940), Mạ đậu (1940), Chiều sương (1 tháng 3 năm 1941), Thuốc độc (24 tháng 4 năm 1941)…. Năm 1941, ông cho xuất bản tập truyện ngắn “Nằm vạ” (Nhà xuất bản Đời nay, Hà Nội). Tập truyện ngắn nhanh chóng nổi tiếng, đặc biệt với truyện ngắn cùng tên.
  • Năm 1944, ông tham gia cách mạng. Theo lời ông kể thì “Khoảng cuối năm 1944, qua sự giới thiệu của một anh bạn công chức, tôi gia nhập Thanh niên cứu quốc bí mật. (Tô Hoài trong bài nào đó nhớ nhầm là tôi vào Ðảng Dân chủ). Một trong những “công tác cách mạng” đầu tiên là sắm một con dao găm. Nhưng cũng chẳng được luyện tập võ nghệ gì. Và cũng không thấy ai đến tuyên truyền huấn luyện về chính trị. Chỉ thỉnh thoảng một cuộc họp ngắn và bí mật, truyền đạt tin tức về khí thế Việt Minh ở các nơi và nhắc nhở việc sẵn sàng “chiến đấu hi sinh cứu nước””[1].
  • Trong suốt giai đoạn 1945 đến 1960, ông tham gia công tác văn nghệ, từng giữ chức vụ chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Nghệ An, nhưng ít sáng tác, một phần thời gian dành cho công tác dịch thuật.
  • Năm 1956, ông giới thiệu tuyển tập truyện ngắn, dịch của Antonov. năm 1957, ông gia nhập Hội nhà văn và giữ cương vị Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liên tục các khóa I (1958-1961), II (1962-1972), III (1973-1982).
  • Năm 1975, ông là trưởng đoàn Hội nhà văn theo chân Quân giải phóng vào Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi vào Huế, ông đã chấp thuận giải tán đoàn để các văn nghệ sĩ có thể tự vào sâu hơn [2].
  • Sau 1975, ông tiếp tục công tác trong Hội nhà văn Việt Nam và giữ chức chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.
                                    Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Bùi Hiển (nguon internet)

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như:

  • Nằm vạ (truyện ngắn, 1940) Bản in đầu tiên của tác phẩm này trên chất liệu giấy lụa
  • Chiều sương (truyện ngắn, 1941)
  • Thuốc độc (truyện ngắn,1941)
  • Nằm vạ (tập truyện ngắn, 1941)
  • Mạ đậu (truyện ngắn, 1940)
  • Tuyển tập truyện ngắn, Antonov (dịch, 1956)
  • Ánh mắt (truyện, 1961)
  • Ý nghĩ ban mai (truyện, 1980)
  • Tâm tưởng (truyện, 1985)
  • Những người yêu nữ thần biển, nhiều tác giả (dịch, 1993)
  • Những truyện ngắn phương Đông, Marqueritte Gourcenar (dịch, 1996)
  • Bản di chúc Pháp, Andrei Makine (dịch, 1998)

Nhà văn Bùi Hiển đã nhận được giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật đợt 1. Ông được biết đến như một bậc thầy của truyện ngắn, đã xuất bản nhiều tác phẩm như Nằm vạ (trước năm 1945), Ánh mắt (1961), Trong gió cát (1965)… đã tạ thế ngày 11/3/2009 tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.