Hoàng Trần Cương sinh ngày 30- 7- 1948 tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán 1970, anh trở thành người lính chiến đấu ở chiến trường. Sau ngày nước nhà thống nhất, 1975, anh chuyển ngành làm chuyên viên kế toán, rồi làm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam. Anh khởi nghiệp văn chương bằng văn xuôi và từng đọat giải A của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 1970-1972. Anh đã cho xuất bản các tập thơ Đường chân trời (1989), Dấu vết tháng ngày (1991), Bóng cỏ (1996), Quà tặng hành tinh (2000) và trường ca Trầm tích (2000). Các giải thưởng thơ: Giải Nhất báo Văn Nghệ (1989-1990), Giải C Bộ quốc phòng (1995-2000), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2001).

      Giới thiệu về Hoàng Trần Cương

Con người ông khảng khái, thô ráp, thậm chí là nóng tính và khó tính, nhưng thơ của ông thường buồn, một nỗi buồn như từ tiền kiếp. Thơ của ông đau đáu về miền Trung bỏng rát gió Lào cát trắng. Thơ của ông đắm đuối về mẹ, về chị, về những người em gái quê chân chất, đầu trần…

Vì thế mà đọc thơ ông, có những khi ứa nước mắt vì thương quê hương, xóm mạc, thương cánh đồng thẳng cánh cò bay, thương cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi vào ký ức của những đứa con xa quê, dù đó là ai, và dù họ có đang ở vị trí nào trong cuộc đời rộng lớn này.
Tác phẩm đã in:

  • Đường chân trời
  • Trầm tích: Trường ca/Hoàng Trần Cương – Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
  • Dấu vết tháng ngày: Thơ/Hoàng Trần Cương – Nxb. Hội nhà văn, 1992
  • Quà tặng hành tinh: Thơ/Hoàng Trần Cương – Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

Nhà thơ Hoàng Cầm đã từng khẳng định trong hội thảo về tập thơ Trầm tích đã nói: “Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng sự thực lớn như thế này. Tác giả Trầm tích là một thi sĩ đích thực. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được đến thế. Đọc ứa nước mắt. Đây thực phải là con người miền Trung.

Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra được nhiều câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện được những chi tiết đắt giá. Với tôi, Trầm tích là một tác phẩm lớn, một tác phẩm còn lại của văn học Việt Nam sau 50 năm qua”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài viết đăng trên Báo Văn nghệ – Hội nhà văn Việt Nam cũng đã nói: “Tôi đã có trường ca Đồng Lộc – Con đường của những vì sao và vẫn ấp ủ một trường ca về đất và người xứ Nghệ, nhưng sau khi đọc trường ca Trầm tích, tôi đã từ bỏ ý định của mình vì không thể viết về xứ Nghệ hay hơn Hoàng Trần Cương”…