Phan Khắc Khoan (5 tháng 6 năm 1916 – 13 tháng 12 năm 1998), bút hiệu: Chàng Chương, Hồng Chương; là nhà giáo, nhà viết kịch và là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Ông cùng với  Phạm Huy Thông, là hai người đầu tiên sáng tác ra thể loại kịch thơ ở Việt Nam, và đã có những vở diễn thành công trên sân khấu.

                         Giới thiệu về nhà thơ nhà văn Phan Khắc Khoan (nguồn internet)

Cuộc đời của ông

  • Phan Khắc Khoan, người làng Yên Lăng, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  • Mồ côi mẹ từ thuở bé, năm ông 15 tuổi, thì cha ông (cụ Tú Phan Văn Phu) bị mù. Do mẹ mất sớm, Phan Khắc Khoan phải đến ở với ông bà nội. Ông nội là một nhà khoa bảng, nổi tiếng thơ văn nhưng nhà nghèo. Ông ngoại là một quan chức, vì tham gia phong trào Văn thân chống Pháp, nên bị giáng chức; còn bác dượng ông thì tham gia phong trào Cần vương, nên cũng bị đày đi Guyane thuộc Pháp.
  • Thuở nhỏ, ông học trường huyện (Yên Thành), trường Vinh (Nghệ An), tốt nghiệp bằng Thành chung.
  • Năm 1938, ông dạy trường Lam Sơn, Thanh Hóa. Đến năm 1940, ông ra Huế dạy trường Việt Anh.
  • Sinh trưởng trong cảnh nghèo khổ, lại sớm tiếp thu tư tưởng của các nhà cách mạng (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh) cùng với không khí sục sôi lúc bấy giờ (năm 1930-1931, phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh nổ ra)…khiến ông bắt đầu nảy ra ý nghĩ sẽ làm chính trị bằng văn chương.
  • Năm 1940, vở kịch thơ Trần Can của ông ra đời. Kể từ đó, ông liên tiếp cho xuất bản hoặc cho trình diễn nhiều kịch bản mới.
  • Ngoài viết kịch, Phan Khắc Khoan còn làm thơ, viết bài bình luận cho các báo chí đương thời, như: Phong Hóa, Hà Nội tân văn, tuần báo Quê hương, Thế giới Mới, Tri tân, Trung Bắc chủ nhật,…trong số đó có nhiều bài đã bị ngành chức năng kiểm duyệt cắt bỏ.
  • Tháng 7 năm 1941, ông được Hoài Thanh và Hoài Chân viết bài để giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam, xuất bản năm 1942.
  • Trước Cách mạng tháng Tám, ông cùng với nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, Lê Mộng Đào, họa sĩ Phạm Viết Song thành lập một nhóm kịch.
  • Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Phan Khắc Khoan dạy học tại quê nhà (Nghệ An), cùng lúc đó ông tham gia đoàn văn nghệ Kháng chiến Liên Khu IV.
  • Năm 1955, ông ra Hà Nội, tiếp tục nghề dạy học.
  • Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
  • Năm 1965-1973, ông bị tạm giữ và phải chuyển lên sống ở Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc vì bị nghi vấn về tư tưởng. Tổng cộng, ông phải ngồi tù 8 năm 4 tháng 53 ngày.
  • Tháng 11 năm 1967, ông lại được Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung), xuất bản năm 1968 tại Sài Gòn.
  • Năm 1973, ông được về lại Hà Nội sinh sống với gia đình.
  • Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Phan Khắc Khoan vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, bỏ hẳn việc sáng tác, chỉ còn phiên dịch một vài tập thơ văn.
  • Ngày 13 tháng 12 năm 1998 [4], Phan Khắc Khoan mất tại Hà Nội, thọ 82 tuổi.

Tác phẩm

Theo thống kê chưa đầy đủ, Phan Khắc Khoan đã để lại một số tác phẩm như sau:

Kịch thơ

  • Trần Can (Quê Hương Hà Nội xuất bản, 1940)
  • Lý Chiêu Hoàng (Quê Hương Hà Nội xuất bản, 1942)
  • Phạm Thái (hay “Giấc mộng Tiêu Sơn”, 1943. Kịch thơ phỏng theo tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng)
  • Quỳnh Như (1944)
  • Lá cờ (ca dao kịch,1945)
  • Máu anh nhi (Kịch kháng chiến,1945)
  • Hoàng tử Cảnh (vở đã diễn năm 1942-1943, nhưng chưa in thành sách)
  • Cô Tô đài (vở đã diễn năm 1943, nhưng chưa in thành sách)
  • Mắt tiên nga (vở đã diễn năm 1943, nhưng chưa in thành sách)
    Hờn vong quốc (1945)

Kịch nói

  • Tìm lý tưởng (1940)
  • Một ra đi (Kịch kháng chiến,1945)
  • Tinh thần lão trượng (1945)

Thơ

  • Xa xa (Nhật ký thơ,Quê Hương Hà Nội xuất bản, 1942)
  • Lòng nghĩa khí (1945)
  • Thanh niên Xô Viết (diến ca,1946)
  • Ông Xô Viết trên bờ Vônga (diễn ca,1946)
  • Thơ chọn lọc(từ năm 1940-1988, chưa xuất bản & có thể đã thất lạc.)

Thơ dịch

  • Hư vô (1942,dịch thơ Omar Khayam, nhà thơ người Iran. Quê Hương Hà Nội xuất bản)
    Góc phố (thơ J.Prêve, nhà thơ người Pháp).
  • Những mối tình của một họa sĩ già trên quần đảo Mackizơ (kịch của nhà cách mạng Kỳ Đồng viết bằng tiếng Pháp)
  • Tagore (dịch của thi hào Ấn Độ Rabbindranath Tagore)
  • Lời ca Chinh Phụ (dịch theo nguyên điệu tập “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn,1943)