Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông học Thành chung ở Thanh Hóa, đậu tú tài Tây năm 1938 tại Hà Nội (vì vậy ở quê thường gọi là cậu Tú Loan). Thời đó, bằng tú tài rất hiếm, rất ít người có nên ông được mời vào làm trong Sở Dây thép (Bưu điện) Hà Nội nhưng ông không làm mà đi dạy học và đã từng là cộng tác viên của các tập san văn học xuất bản tại Hà Nội. Năm 1939 ông tham gia Mặt trận Bình Dân rồi về tham gia Mặt trận Việt Minh tại thị xã Thanh Hóa.

Nguồn Internet

Năm 1943, ông gây dựng phong trào Việt Minh ở quê nhà, và khi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, rồi được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tình nguyện đi bộ đội, phục vụ trong sư đoàn 304 và làm chính trị viên tiểu đoàn, đồng thời làm chủ bút tờ Chiến Sĩ của sư đoàn.

Tháng 2 năm 1948, lúc ấy ông 32 tuổi, được nghỉ phép hai tuần lễ, về quê cưới cô Lê Đỗ Thị Ninh là người học trò cũ mới 16 tuổi, con gái của ông bà tham Kỳ, một gia đình nền nếp, gia sản có tới hàng trăm mẫu ruộng ở Thanh Hoá mà trước đây ông đã từng làm gia sư dạy kèm cho các con của ông bà suốt nhiều năm liền. Cô Ninh yêu ông bằng một tình yêu kỳ lạ, nửa như người anh, nửa như người thầy. Ông cũng coi cô bé xinh đẹp 16 tuổi đó nửa như em gái, nửa như cô học trò vì khi ông mới đậu tú tài, được ông bà tham Kỳ nhờ đến dạy học cho hai người anh của cô Ninh thì cô mới 8 tuổi. Sau, ông cũng làm gia sư cho cô luôn.

Cưới nhau xong, ông lại lên đường ra mặt trận. Sư đoàn lúc ấy ở vùng Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Ba tháng sau, tháng 5 – 1948, từ ngoài mặt trận, ông được tin người vợ trẻ tuổi ở nơi quê nhà vắn số: cô giặt đồ ở ngoài sông, xảy chân ngã xuống sông, bị nước cuốn đi, chết đuối. Ông quá đau khổ, định sẽ ở vậy suốt đời, đồng thời đem nỗi lòng mình viết thành những câu thơ rồi dần dần thành bài Màu tím hoa sim đầy kỷ niệm. Mấy năm sau – khoảng các năm 1951-1953 – bài thơ này nổi tiếng, được lưu truyền trong dân chúng nhưng bị phê bình là “ủy mị, mang tính chất tiểu tư sản”!
Năm 1954, sáu năm sau ngày vợ chết, hoà bình lập lại nhưng chuyện đấu tố diễn ra. Bộ đội đóng ở Nghệ An, ông về nhà chơi, được biết ở làng bên có một gia đình địa chủ ngày trước vẫn tiếp tế lương thực cho sư đoàn của ông, nay bị đấu tố chết rất thê thảm, chỉ trừ cô gái 17 tuổi tên Phạm Thị Nhu thì được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà, cấm không cho ai được phép liên lạc. Ông nhớ tới ơn xưa, bèn đi tìm xem cô ta ra sao thì gặp cô đang đói khát, mặt mũi lấm lem, quần áo rách rưới, đang đi mót những củ khoai người ta bới xong còn sót lại ở ngoài cánh đồng, chùi sơ rồi bỏ vào miệng ăn sống. Thấy ông, cô khóc rưng rức vì cảnh khốn cùng của mình và cho biết ban đêm cô ngủ trong một ngôi miếu hoang, chỉ sợ có kẻ làm bậy và không hiểu mình sẽ tồn tại được bao lâu. Ông rất thương xót, đồng thời cũng nhớ tới những kỷ niệm mà hồi trước, khi cô còn nhỏ, ông dạy học ở xã bên ấy, cô thường núp nghe ông giảng truyện Kiều.

Ông quyết định đem cô về nhà cha mẹ và lấy cô làm vợ. Cấp trên không đồng ý. Ông là đảng viên, lại trưởng phòng Tuyên huấn kiêm chính trị viên tiểu đoàn, không được lấy con cái địa chủ, nếu lấy thì sẽ bị đuổi khỏi quân đội và bị khai trừ khỏi đảng. Tính ông ngang bướng, ông chấp nhận điều kiện thứ hai và cô Phạm Thị Nhu trở thành người vợ sống với ông cho đến bây giờ, sinh cho ông được 10 người con cùng với 37 đứa cháu như chúng ta sẽ biết.
Đầu năm 1955, ra khỏi quân đội, ông về Hà Nội xin vào làm việc tại báo Văn Nghệ. Trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do nhà văn Phan Khôi chủ trương. Ông sáng tác những tác phẩm lên án quyết liệt những tiêu cực của các cán bộ nịnh hót, đố kỵ, ám hại lẫn nhau vv… Như trong tác phẩm Cũng những thằng nịnh hót và trong truyện ngắn Lộn sòng, ông coi mình là nạn nhân và phê phán một cách gay gắt.

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan bị đi cải tạo mấy năm rồi được thả, cho về địa phương và bị quản chế tại địa phương. Hiện nay tất nhiên lệnh quản chế đó đã hết từ lâu nhưng ông vẫn sống tại quê nhà.

Các tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan:

Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào. Một số bài thơ đã được phổ biến trên các báo chí của ông: Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Yên mô, Hoa lúa, Tình Thủ đô…

Tại miền Nam, bài Màu tím hoa sim đã được các nhạc sĩ Dũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng và Duy Khánh phổ nhạc… Trong đó bài của Dzũng Chinh và Phạm Duy là nổi tiếng nhất.

Vào tháng 10 năm 2004, Màu tím hoa sim đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (viết tắt: vitek VTB) mua bản quyền với giá 100 triệu đồng.

Chỉ vậy thôi nhưng tác phẩm của ông đã đi vào lòng người, nhẹ nhàng, sâu lắng và tình cảm.