Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày 01 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39, tức ngày 19 tháng 12 năm 1778; người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân năm hai mươi bốn tuổi, làm giáo thụ phủ Anh Sơn, Nghệ An, sau thăng làm tri huyện Quỳnh Côi, rồi tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình. Khi quân đội Tây Sơn ra Bắc chiếm Thăng Long, Nguyễn Công Tấn xướng nghĩa cần vương chống lại, không thành, ông đưa gia đình về quê mở trường dạy học. Nguyễn Huệ mấy lần mời ra làm quan, ông đều từ chối.

Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan quản Nội thị Cảnh Nhạc bá, họ Nguyễn, người xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Gia đình Nguyễn Công Trứ có sáu anh em, ba trai, ba gái, có một bà rất thông minh, giỏi thơ văn, người đương thời gọi là Năng văn nữ sĩ. Năm mười chín tuổi, chồng chết, bà nhất định không chịu tái giá, bỏ nhà đi tu, được Minh Mệnh ban cho danh hiệu “Trinh tiết khả phong”.

Sau ba lần đi thi, năm 1820, khi đã 42 tuổi, Nguyễn Công Trứ mới đỗ Giải nguyên, và từ đó bắt đầu con đường công danh đầy sóng gió, với rất nhiều những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng quan thưởng tước nhiều lần vì những công lao trong quân sự và kinh tế, làm tới chức Thượng thư, Tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần ông bị giáng phạt, thậm chí bị kết án trảm giam hậu, bị cách tuột làm lính thú… Năm 71 tuổi, ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

Hôm ấy, nhà thơ Tố Hữu đã hướng về Hà Tĩnh vái dài và nói: “Tôi xin bái phục, nghìn lần bái phục cụ Nguyễn Công Trứ. Tôi giờ mới thật hiểu cụ. Thật là một người có một không hai. Tài đến rứa là cùng, khí phách đến rứa là cùng, đức độ làm quan đến rứa là cùng, mà chơi nhởi cũng hay đến rứa là cùng”.

Tham khảo thủ tục ==> Thành lập công ty tại Hà Tĩnh

Người gồm đủ lập đức, lập công và lập ngôn

Người xưa quan niệm bậc thánh nhân quân tử phải là người có đủ hoặc noi theo tam lập. Sách “Tả truyện” viết: “Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn” (Trước hết, cao nhất là thành tựu đạo đức, sau là làm nên công trạng, sau nữa là để lại lời hay được truyền tụng). Lập đức như cái cây, lập công như cái quả, lập ngôn như cái hạt để truyền lại đời sau. Lập đức tức xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng phép tắc trị nước là việc của bậc thánh nhân; lập công là việc của người anh hùng, lập ngôn là việc của kẻ sĩ.

Đánh giá về Nguyễn Công Trứ, sách “Đại Nam liệt truyện” viết: “Công Trứ là người trác lạc, có tài khí… Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi được cất nhắc lên ngay; Tỏ sức ở chiến trường, nhiều lần lập được công chiến trận. Buổi đầu Trứ lĩnh chức doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thủy, trải hơn 10 năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật”.

Nguyễn Công Trứ thuở nhỏ tên là Củng, nghĩa chữ Hán là củng cố vững vàng. Trứ, nghĩa chữ Hán là làm sáng rõ (cái đức lớn). Nguyễn Công Trứ không chỉ làm sáng tỏ đạo đức thánh hiền mà còn dựng nên một nền tảng đạo đức mới, coi trọng quyền sống của con người cá nhân, “phớt thoảng ra ngoài sự vật” và ước thúc của xã hội phong kiến; nhưng lại đề cao bổn phận đối với đất nước và nhân dân, “không quân thần, phụ tử đếch ra người”.

Năm 1803, nhân Gia Long ra Bắc, ông dâng 10 kế sách làm cho nước thái bình. Lập đức, còn có nghĩa là nêu gương về sự làm quan liêm khiết. Ông giữ chức tổng đốc nhiều tỉnh, thượng thư hai bộ, nhưng nhà vẫn thường nghèo như thuở nho sinh: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no/Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.

Về hưu, ngoài lương hưu, ông được Tự Đức thưởng cho 170 quan tiền, bèn mở tiệc mời đồng liêu và bạn hữu chén sạch. Ông ghét nhất bọn quan dốt, quan tham: “Chuồn đội mũ mượn mầu đạo đức/Thịt hay ăn một cục tham si”. Về công trạng, thì ông đã đánh đuổi quân Xiêm, đánh dẹp các cuộc bạo loạn để ổn định chính trị; Lập nên huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và một tổng của huyện Giao Thủy (Nam Định).

Về lập ngôn, ông để lại những áng văn chương bất hủ. Người Việt Nam, hầu như đều thuộc ít nhất hai câu thơ của ông: “Đã mang tiếng đứng trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông” và “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Văn chương ấy không phải là hư văn, mà thúc đẩy dấn thân, có trách nhiệm với cuộc sống của mình và xã hội, hun đúc tinh thần, cốt cách cao đẹp là sự ngay thẳng, chịu đựng, vượt qua mọi sương gió cuộc đời. Chữ “danh” của Nguyễn Công Trứ không phải là học vị, chức quan mà là tài danh, là việc làm rạng danh đất nước.

Làm một việc đã khó. Ba việc gồm đủ như Nguyễn Công Trứ thật kỳ vĩ!

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Công Trứ chiếm một vị trí khá đặc biệt: sáng tác của ông để lại tuy không nhiều nhưng chứa đựng những vấn đề quan trọng, lí thú và phức tạp, là nguồn gốc của nhiều đánh giá, tranh luận trong nghiên cứu và phê bình văn học. Tác phẩm của ông chủ yếu thuộc thể loại hát nói và thơ Nôm, thể hiện một cuộc sống thanh bần, thích tự do, phóng túng, một tính cách ngang tàng, ngạo nghễ, một quan niệm xuất xử và hành lạc tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất trong con người Nguyễn Công Trứ – một nhà Nho tài tử điển hình.

Tập sách Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ chọn lọc giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của ông và những công trình nghiên cứu về ông với hy vọng sẽ giúp giáo viên và học sinh có cái nhìn đầy đủ hơn về một nhà thơ có nhiều đóng góp cho lịch sử văn học Việt Nam. Phần lớn những bài vở, tài liệu trong sách này được rút ra từ cuốn Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức biên soạn và xuất bản nhân dịp kỉ niệm 230 năm ngày sinh và 150 năm ngày mất của ông (tháng 12 năm 2008).