Thật vui và may mắn khi mới đây, biết tôi có võ vẽ chút văn thơ, một người bạn ở Hà Nội là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tặng tôi cuốn sách dày Nhà văn Việt Nam hiện đại do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản trong dịp Đại hội VIII của Hội (08.2010). Cầm trên tay cuốn sách, tôi háo hức tìm những trang có các hội viên quê Nghệ An, những người tôi thường gặp ở các buổi sinh hoạt Hội VHNT Nghệ An và nhất là những người nổi tiếng, đọc thơ, đọc văn của họ mà chưa một lần gặp mặt.

Tham khảo thủ tục ==> Dịch vụ thành lập công ty tại Nghệ An

Nhà văn quê Nghệ – một góc nhìn (Nguồn Báo Nghệ An)

Và tôi đã nắn nót tỉ mẩn từng trang, đọc và đếm để thông báo cho mọi người yêu văn học ở quê nhà rằng, cho đến năm 2011 này, số người Nghệ An được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ở trong và ngoài tỉnh là 97 người, trong đó hiện sinh hoạt tại Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An là 12 người. Những nhà văn thuộc thế hệ sáng lập Hội là người Nghệ An gồm có: Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trung Nho, Hồ Khải Đại, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Phan Khắc Khoan, Hoài Thanh.

Những người cao tuổi nhất tham gia Hội là: Phạm Thiều (1904-1986) quê Diễn Châu; Lan Sơn (1912-1974) quê Anh Sơn, Nguyễn Tất Thứ (1912-2007) quê Nam Đàn, Thanh Châu (1912-2007) quê Diễn Châu, Phan Khắc Khoan (1916-1998) quê Yên Thành. Người trẻ nhất tham gia Hội là nhà văn Bùi Sim Sim, sinh năm 1969 tại Quỳnh Lưu, vào Hội năm 2005, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Người trẻ nhất ở Chi hội Nghệ An là nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, sinh năm 1967 cũng tại Quỳnh Lưu, vào Hội năm 2000; người mới nhất là nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi, kết nạp đầu năm 2011 ( chưa có tên trong sách trên).

Có 3 nhà văn vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là: Đặng Thai Mai, đợt 1-1996, Nguyễn Minh Châu và Hoài Thanh, đợt 2-2000. Có 9 nhà văn vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước là: Bùi Hiển, Nguyễn Trọng Oánh, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung (đợt 1-2001), Phan Cự Đệ, Nam Hà, Minh Huệ, Vương Trọng, Đặng Thanh Hương (đợt 2-2007).

Nghệ An, quê hương của một vùng văn hoá đặc sắc, là nơi nuôi dưỡng và sinh thành những công trình văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị muôn đời. Đất Nghệ nghèo khó, càng nghèo khó con người càng biết vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho cuộc sống của mình không chỉ những giá trị vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần. “Người Nghệ hay chữ lại hay nghĩa” (Huy Cận) là nói theo nghĩa đó. Người Nghệ có quyền tự hào đã sản sinh ra những nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc như Nhà văn hoá Hồ Chí Minh. Có những người Nghệ không biết chữ nhưng thuộc Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… là chuyện bình thường. Người Nghệ sinh hoạt văn hoá truyền thống với hát dặm, hát ví… nên dễ hiểu vì sao những bài thơ hay nhất của Trần Hữu Thung (Thăm lúa, Anh vẫn hành quân…), Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ…) Thạch Quỳ (Cỏ…) đều được viết bằng thể thơ 5 chữ hết sức điêu luyện và tinh xảo.

Nhà văn quê Nghệ – một góc nhìn (Nguồn Báo Nghệ An)

Nhà văn Nghệ An, sống làm việc trong và ngoài tỉnh đều tỏ rõ bản lĩnh sáng tạo, đóng góp nhiều mặt cho văn học nước nhà. Về thơ, bạn đọc nhớ nhiều đến Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Thạch Quỳ, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng…. Về văn xuôi, không thể không nhắc đến Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Đặng Văn Ký, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Phước…. Về phê bình lý luận, cần phải kể tới Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Điệp…

Có thể nói, Nghệ An là nơi phát huy rất tốt truyền thống văn chương của gia đình, dòng họ mà tiêu biểu là họ Nguyễn Đức ở Nghi Trung-Nghi Lộc với các nhà văn tên tuổi: Nguyễn Đức Nguyên-Hoài Thanh, Nguyễn Đức Nam-Vũ Đức Nam, Nguyễn Đức Dũng-Từ Sơn, Nguyễn Đức Ngọc-Anh Ngọc, Nguyễn Đức Đàn-Việt Trung Nguyên-Hoàng Nguyễn, Nguyễn Đức Hân-Phan Hồng Giang và Thúy Bắc. Nhiều người cũng biết tới dòng họ Vương ở Đô Lương với Vương Đình Huấn-Thạch Quỳ, Vương Trọng, dòng họ Hoàng ở Quỳnh Lưu với Hoàng Trung Nho, Hoàng Trung Thông… Đặc điểm đáng chú ý là nhà văn Nghệ An có nhiều người giỏi Toán như Vương Trọng, Thạch Quỳ, Nguyễn Thị Phước và không thể bỏ qua trường hợp Tiến sỹ Toán-Nhà thơ Lê Quốc Hán, quê Hà Tĩnh, sinh hoạt tại Chi hội Nghệ An. Nhà văn Nghệ An cũng có nhiều người đa tài với Nguyễn Trọng Tạo thơ-nhạc-họa, Nguyễn Thị Phước văn-thơ, Thái Bá Tân thơ-văn-dịch thuật, Phạm Quốc Ca thơ-lý luận-dịch thuật, chưa kể nhiều người là nhà văn-nhà báo như Hoàng Trần Cương, Bùi Sỹ Hoa, Dương Huy,…Đất Nghệ An cũng nuôi lớn rất nhiều nhà văn từ mọi miền trong nước như Quang Huy, Lê Quý Kỳ, Hồng Nhu…

Điều cần nói là danh sách hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam không phản ánh đầy đủ những gương mặt sáng tạo, có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà. Có thể kể những người có đủ tư cách là nhà văn, nhà thơ như Huy Huyền, Phan Văn Từ, Nguyễn Xuân Phầu, Ngô Đức Tiến, Tú Tâm, Trần Ngưỡng, Cao Bá Trang, Cao Xuân Thưởng, Nguyễn Văn Hùng, Vân Anh… Chính họ góp phần tạo nên diện mạo văn học địa phương, tạo nền móng cho sự phát triển vững chắc của văn học nước nhà nhưng vì nhiều lý do mà họ chưa có tên hoặc sẽ có trong thời gian tới…

Nhiều năm qua, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An đã là nơi tập hợp đội ngũ sáng tác văn học của quê hương, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho văn học nước nhà. Chi hội cũng là nơi tập hợp những sáng tác của anh chị em chưa là hội viên, giới thiệu, cổ vũ phong trào sáng tạo từ khắp các hội cơ sở. Chi hội chú trọng việc tổ chức cho hội viên đi thâm nhập thực tế, đánh giá bình chọn giới thiệu tác phẩm qua Tạp chí Nhà văn Xứ Nghệ, tham gia tích cực các hoạt động của Hội VHNT và phân công từ Hội Nhà văn, như Ngày thơ Việt Nam, các hội thảo chuyên đề tác giả, tác phẩm tiêu biểu.

Tuy nhiên, còn nhiều công việc đặt ra đòi hỏi Chi hội phải thực sự ra tay mới mong có được kết quả tốt như xây dựng tuyển tập Nhà văn Xứ Nghệ hiện đại, ổn định tiến tới tăng kỳ cho Tạp chí Nhà văn Xứ Nghệ, tổ chức các cuộc thâm nhập thực tế sao cho hiệu quả…

Thực tế cho thấy việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngày một khó vì nhiều lẽ, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là tác phẩm của người làm đơn vào Hội còn chưa tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng, trong khi việc đọc, tìm hiểu, giới thiệu, quảng bá văn học ở tỉnh ta cũng như nhiều nơi khác chưa được quan tâm đúng mức.

Những cây viết trẻ có triển vọng như Hồ Huy Sơn, Lê Thu Thủy, Dương Nữ Khánh Thương, Bùi Phú Châu…chưa được quan tâm dìu dắt cụ thể, dẫn đến tình trạng… không lớn hoặc rẽ ngang. Việc này, Chi hội phải lo, phải có cách làm để tập hợp, khuyến khích, bồi dưỡng các mầm non văn học, tạo nguồn kết nạp và tạo hướng đi lâu dài cho văn học quê nhà…!