Cô giáo Hồ Tịnh Văn tên thật là Hồ Thị Thanh Tịnh, sinh năm 1975 quê ở xã Thạch Tiến – huyện Thạch Hà – tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Hồng Lĩnh thơ mộng, hiền hòa trong một gia đình có truyền thống văn chương, nên từ nhỏ Hồ Tịnh Văn đã là một cô bé yêu thiên nhiên và rất thích thơ văn. Chính vì có dòng máu văn chương mà Hồ Tịnh Văn đã chọn học ngành sư phạm ngữ văn tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An) để theo đuổi sự nghiệp văn chương cũng như ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Sau khi ra trường, Hồ Tịnh Văn vào Nam và chọn TP.Biên Hòa là quê hương thứ 2 của mình để lập nghiệp và trở thành giáo viên dạy văn tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) từ năm 1997 đến nay.

Tham khảo==> Thành lập doanh nghiệp tại Hà Tĩnh

Nhà thơ, cô giáo Hồ Tịnh Văn luôn trẻ trung, xinh đẹp. Thơ Hồ Tịnh Văn hồn nhiên, trong trẻo nhưng đôi lúc cháy bỏng đến tận cùng nên cũng đã “đốt cháy” nhiều con tim yêu thơ và được nhiều fan thơ đồng cảm, chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Từ đó, Hồ Tịnh Văn ngày càng có nhiều người yêu thích thơ văn của mình. Thời gian qua, Hồ Tịnh Văn bắt đầu nổi tiếng trên facebook, cũng nhờ thơ và những hình ảnh hồn nhiên, cũng như những sáng tác mới của chị đã gây được sự chú ý cho cộng đồng mạng. Tình yêu là chủ đề chính trong thơ Hồ Tịnh Văn, nhưng thơ của chị không chỉ bàng bạc tình yêu, mà còn bàng bạc trong đó “nghiệp trồng người”. Viết về mái trường, về đàn em thân yêu, về những mùa hạ cuối cũng là những chủ đề trong thơ Hồ Tịnh Văn. Và ở phương diện này, chị cũng gặt hái được nhiều thành quả với nhiều bài thơ được phổ nhạc. Viết về mái trường, giọng thơ Hồ Tịnh Văn vẫn giữ cho mình một sắc thái ngọt ngào, rung cảm: Trang vở ngày nào chép vội những vần thơ/Cánh phượng hồng ép thành cánh bướm/Ánh mắt ai cháy hoài mộng tưởng/ Kỷ niệm ơi góp nhặt lửa lòng… /Ve dạo tình ca, kỉ niệm lại ào về/Mùa thi ấy phượng buồn li biệt/Dòng lưu bút nói hộ điều tha thiết/Ra đi rồi, vĩnh biệt tuổi ngây ngô/… Giờ trở lại sân trường mùa xưa cũ/ Yêu thương ơi da diết gọi ta về (Nhớ mùa hạ cuối). Bên cạnh đó, quê hương núi Hồng sông Lam đi vào thơ chị như những gì dịu dàng, đằm thắm nhất của quê hương: Xa quê Hồng Lĩnh nửa đời rồi/ Mà nhắc tới sao cõi lòng bối rối/Nhớ mối tình đầu tâm hồn tôi vời vợi/Tuổi hẹn hò và những ước mơ. Và như một khúc tâm tình, trong thơ Hồ Tịnh Văn ở những vị trí đặc biệt luôn là hình ảnh đầm ấm xúc động dành cho Ngoại, cho Cha…. và nhất là mẹ, người chị mang nặng ơn dưỡng dục sinh thành: Dù thời gian qua nhanh/ Nhưng chưa bao giờ con quên ơn mẹ/ Đã cho con hình hài và nâng niu con từ ngày còn thơ bé/ Con thương mẹ nhiều/ Nhiều vô kể Mẹ của chúng con !

Sau nhiều năm ấp ủ, cô giáo Hồ Tịnh Văn mới chính thức cho ra mắt tập thơ đầu tay Như giọt sương khát nhớ với 45 bài thơ chọn lọc của mình được bạn đọc yêu thích thời gian qua (do NXB Hội Nhà văn phát hành).

Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân nhận xét:“Trong lành, tinh khiết tựa như những giọt sương, ngọt ngào như mật, đó là ấn tượng ban đầu mà giọng thơ của Hồ Tịnh Văn mang lại cho người đọc. Mở từng trang của tập thơ Như giọt sương khát nhớ, cũng là mở ra một phong cách thơ êm đềm và ngọt dịu của Hồ Tịnh Văn. Không quá vận dụng sự bay bổng của ngôn từ, không quá khoa trương trong từng dòng viết, chỉ có tình cảm và cảm xúc, thơ của Hồ Tịnh Văn có thể nói là những giọt sương trong veo, mát lành rơi nhẹ vào lòng người đọc và ở lại đó mãi…”

Hồ Tịnh Văn là cô giáo, Và có lẽ chính vì thế dấu ấn nghề nghiệp để lại trong thơ chị khá rõ nét. Trong thơ chị, nhất là trong mảng thơ tình, ít có những phá cách, ít thấy những bước đi táo bạo hay liều lĩnh, những cuộc nổi loạn đòi giải phóng. Tất cả chỉ dừng lại ở những ao ước chừng mực, những bài thơ chứa đựng nhiều sẻ chia với lối nghĩ suy nhẹ nhàng nhưng ấm áp đã đem lại cho thơ Hồ Tịnh Văn sự đồng cảm từ đông đảo người đọc. Chị chia sẻ: “Là một người yêu thơ và sáng tác thơ từ khi còn rất trẻ, mỗi bài thơ được sáng tác đối với tôi hoặc như là một sự góp nhặt, chắt lọc, tích lũy từ trong cuộc sống, công việc và tình yêu; hoặc bất chợt bật, nẩy ra từ xúc cảm mong manh, từ một giai điệu, một ý thơ bất chợt ùa về như cơn gió…”

Anh Nguyễn Đức Dũng, ông xã của Hồ Tịnh Văn hiện là kỹ sư điện hóm hỉnh cho biết: “Đến bây giờ và suốt đời, tôi vẫn xem vợ mình như là người yêu. Đơn giản vì gọi vợ thì cứ như một cái gì đó đã cũ, còn người yêu thì luôn luôn mới mẻ, tràn đầy sức sống…”.
Anh kể: “Tôi quen với Tịnh Văn qua một người bạn. Bản thân tôi cũng rất yêu thích thơ văn nên sau vài lần gặp gỡ, chúng tôi đã có sự đồng điệu. Hồi đó, tôi khá lãng mạn nhưng nhát lắm, yêu mà không hề dám nói ra. Nhiều bạn bè khuyên tôi nên làm thơ để chinh phục Tịnh Văn. Tôi bạo gian viết liền tù tì mấy bài thơ đầy tình cảm sướt mướt gửi cho Tịnh Văn để…tỏ tình. Tịnh Văn nhận, đọc rồi cười. Cho đến bây giờ, những bài thơ ấy tôi vẫn giữ trong ngăn tủ, lâu lâu lấy ra đọc và lại…cười”.

Thời gian đầu mới lấy nhau, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng “ khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, dần dần cuộc sống cũng đi vào ổn định. Bao nhiêu năm chung sống, là ngần ấy năm họ hưởng được hạnh phúc trọn vẹn. Với cô giáo Hồ Tịnh Văn, tình yêu dành cho ông xã lúc nào cũng đong đầy. Theo chị thì có rất nhiều bài thơ, dù đã được công bố nhưng thật ra, những vần thơ ấy chị viết cho chính ông xã của mình: Em khát khao anh! khát khao cháy bỏng/Khát đến nghẹn từ, nghẹn ngữ, nghẹn câu thơ/ Mòn mỏi đợi chờ nụ hôn nồng cháy…(Khát khao). Hồ Tịnh Văn cũng luôn mong muốn giữ gìn một sợi dây bền chặt với ông xã của mình: Em chỉ muốn anh nhìn em bằng ánh mắt to tròn, hun hút cháy/Giấc mơ hạnh phúc cho một đời em ước ấy mãi ở trong em đi hết cuộc đời này.

Chị bảo: “Là cô giáo dạy văn, lại làm thơ nên tâm hồn tôi nhiều lúc…treo lơ lửng. Chỉ có anh là người yêu thương và luôn chia sẻ điều này với tôi. Anh luôn tôn trọng tâm hồn thơ trong tôi, chưa bao giờ làm cho tôi tổn thương dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính vì thế, trong tôi, luôn dành cho anh sự tôn trọng và một tình yêu tuyệt đối”

Dạy Văn từ 1997, cô giáo Hồ Tịnh Văn cũng luôn mong muốn học trò có thể cảm nhận được những cái hay, cái đẹp của văn chương. Thông qua lăng kính văn chương, đặc biệt là thơ mà giáo dục tâm hồn, tình yêu cuộc sống đối với giới trẻ, và chị cảm thấy phấn với sự nghiệp trồng người của mình.

Với Hồ Tịnh Văn, thơ như là tiếng nhạc họa nỗi lòng, là cái ý, cái tình của người viết nên nó dễ đi vào lòng độc giả bởi thấm đẫm tình yêu cuộc sống. Về Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh ( TP.Biên Hòa, Đồng Nai), hỏi cô giáo Hồ Tịnh Văn thì hầu hết các học sinh đều biết. Bởi lẽ, Hồ Tịnh Văn vừa xinh đẹp, hiền lành, dạy Văn thu hút, luôn làm thơ tặng cho học trò của mình. Trong buổi ra mắt Như giọt sương khát nhớ do bạn bè chị tổ chức tại TPHCM, thật bất ngờ, có rất nhiều phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh của cô lặn lội từ Đồng Nai lên chúc mừng. Chị bảo: “nhờ  thơ nên tâm hồn tôi luôn dạt dào. Tôi luôn yêu đời nên cảm nhận các tác phẩm thơ văn trong chương trình giảng dạy dễ dàng hơn. Từ đó, chuyển tải đến học sinh dễ hiểu hơn. Đây cũng là thế mạnh của tôi”.

Chưa bao giờ, Hồ Tịnh Văn la mắng học trò, dù trong bất kỳ tình huống nào, chị chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, rèn luyện. Chị hay nói với học trò của mình: “Các em là những viên ngọc quý, mà ngọc thì càng mài càng sáng nên cô phải luôn mài cho các em. Cứ em nào học giỏi, điểm cao, tôi sẽ viết tặng em đó một bài thơ. Cách làm này của tôi xem ra cũng khá hiệu quả…Tôi mong xã hội ưu ái hơn với nghề giáo để thầy cô giáo luôn yên tâm công tác. Với thơ tôi mong sẽ có nhiều độc giả đồng cảm yêu thơ hơn để thêm yêu đời và yêu người”

Hồ Tịnh Văn sống chung thủy, có trách nhiệm, luôn dành yêu thương cho ông xã và tình cảm đó bao giờ cũng là điểm khởi nguồn cảm hứng cho thơ chị: Dòng thơ tình mỗi lần em chắp bút/ Là dòng thơ mang nặng chuyện đôi mình/ Thơ tình em viết chỉ riêng anh

Anh Dũng khoe: “Không chỉ chỉ giỏi làm thơ, tận tụy với nghề giáo, mà về cái khoản nấu ăn, Tịnh Văn cũng là số một. Chính vì thế dù ăn ở đâu tôi vẫn không cảm thấy ngon miệng bằng cơm nhà”.

Anh vốn là người hiếu khách nên bạn bè rất nhiều, chị biết nên thường tự tay làm những món ăn ngon để anh mời bạn bè đến nhà nhâm nhi, nói chuyện thơ ca. Là một kỹ sư dầu khí, đi công tác hơi nhiều, chị rất thông cảm cho công việc cũng như đặt niềm tin trọn vẹn vào anh.

Anh bảo: “Về cái khoản làm thơ, Tịnh Văn còn rất phong độ. Là người rất yêu thơ nên tôi cảm thấy vui và tự hào khi những bài thơ của bà xã chưa mang đi in, tôi đã vinh dự là người đầu tiên được thưởng thức khi nó còn nằm trên bản thảo. Những ngày dành cho phụ nữ hay kỷ niệm ngày cưới, tôi thỉnh thoảng cũng nổi hứng làm thơ tặng bà xã…”

Anh cũng là “nhà tài trợ” chính cho chị xuất bản các tập thơ, mặc dù anh biết, xuất bản thơ không bao giờ thu hồi vốn nhưng cái “lãi” chính là luôn giữ được cho chị năng lượng sống trong tâm hồn.

Chị bộc bạch: “Dù cho công việc có bận rộn thế nào, chúng tôi vẫn dành thời gian kiểm tra bài vở của các con, sắp xếp lịch để các con ngoài thời gian học tập vẫn có thời gian rảnh rỗi vui chơi, phát triển năng khiếu của mình, đồng thời thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập. Chúng tôi luôn thống nhất với nhau trong cách dạy con. Vì vậy, các con tôi dù đạt được nhiều thành tích nhưng rất khiêm tốn và không bao giờ vòi vĩnh chúng tôi mua cho bất cứ thứ gì. Một điều chúng tôi luôn nhắc nhở con là phải biết yêu thương, giúp đỡ những người già tàn tật, trẻ mồ côi lang thang trong phạm vi cho phép. Đặc biệt, các con tôi cũng rất yêu thơ của mẹ và có năng khiếu văn chương. Cuộc sống tuy không giàu nhưng an nhàn. Chúng tôi thật sự hài lòng với những gì mình đang có…”