Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nho học, một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng và nhiều trí thức lớn. Năm 1946, hăm hở trong đoàn quân Nam Tiến, ông có mặt tại Phú Yên và như một định mệnh, ông gắn cuộc đời mình ở miền Tây Phú Yên, với những cái tên như Ma Pốp, Ma Xí, Ma Xoong, cũng quấn khố, để tóc dài, đi chân đất, nói tiếng dân tộc thiểu số, sống, chiến đấu cùng bà con trong những điều kiện ngặt nghèo, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến.

Tham khảo thủ tục ==> Thành lập công ty tại Nghệ An

Cuộc đời nhà thơ Văn Công (Nguồn internet)

Cuộc đời nhà thơ Văn Công

Nhà thơ Văn Công xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, học hành dang dở, phải vào đời kiếm sống lúc 13 tuổi. Do sớm có năng khiếu, bấy giờ chú bé Cao Xuân Thiêm đã làm thơ ghi những điều trông thấy dọc đường , nhưng địa danh hấp dẫn: Vinh, Nghi Xuân, Đèo Ngang, Huế….Tháng 8- 1945 sau chuyến đi xa kiếm sống về,Cao Xuân Thiêm bước vào hoạt động cách mạng. Đó là cuộc hành trình xa quê gốc để vào vùng đất Liên khu 5 mà sau này trở nên thân thiết như chính quê mình. Ông từng là cán bộ đi vận động quần chúng ở vùng địch hậu miền đông Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông không tập kết ra Bắc, tiếp tục ở lại nằm vùng phát động quần chúng. Sau gần 10 năm gắn bó với miền Tây, với Phú Yên, lẽ ra cuối năm 1954, ông đã được trở về với quê hương theo chuyến tàu tập kết ra Bắc. Song, sau thành tích trở lại Phú Yên đưa đồng chí Lê Đài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ đang tạm lánh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ra Diêu Trì, Bình Định dự cuộc họp do đồng chí Võ Chí Công (đại diện Khu uỷ Khu 5) trực tiếp chủ trì, Tỉnh uỷ Phú Yên đã quyết định giữ ông ở lại làm cán bộ giao liên chuyên trách đường dây bí mật từ Phú Yên ra đầu mối đường dây Khu 5 và các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai. Ông nói, nhìn chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ tập kết ra Bắc, lòng ông không khỏi bâng khuâng, nhất là trên tàu có mang theo lá thư ông gửi người con gái mà dự định ra Bắc lần này sẽ làm lễ cưới.

Có một cái tên trở đi, trở lại, là tâm điểm trong các tác phẩm của Văn Công, đó là Thồ Lồ (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Như ông viết, đó là mảnh đất của “một bộ lạc chi nhánh của dân tộc Ba Na”, từ lâu “sống như người rừng, không hề có một sự kiểm soát của ai, dù là vua quan phong kiến, hay thực dân Pháp”. Thế nhưng, bộ lạc chưa đến 1000 người đó đã trở thành đốm lửa đấu tranh vũ trang đầu tiên, nơi đứng chân của cách mạng trong những ngày khó khăn nhất, mảnh đất kiên cường địch không thể làm lay chuyển và cũng là vùng giải phóng đầu tiên của tỉnh Phú Yên vào năm 1957.

Từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế phục vụ chiến trường Phú Yên, cán bộ phụ trách Ban chi viện chiến trường khu Trung Trung bộ, là thành viên Ban chấp hành Văn nghệ giải phóng khu Trung Trung bộ.

Sau chiến thắng 1975, ông tiếp tục giữ các trọng trách của tỉnh: Quyền chủ tịch, Phó chủ tịch trực tỉnh Phú Khánh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù ở cương vị nào: (Bí thư Huyện uỷ, Phó Chủ tịch, rồi Quyền Chủ tịch UBND tỉnh), hay đã về hưu, hễ có dịp là ông lại về với miền Tây, về lại vùng căn cứ Thồ Lồ. Ông nói: Về để thăm lại núi rừng, thăm lại đồng bào, soi vào đó mà giữ vững lòng mình, sống xứng đáng với dân, với Đảng. Và nữa, về để tiếp thêm năng lượng cho ngòi bút. Không khó lý giải vì sao sau khi về hưu ông lại viết được nhiều đến thế. Cứ vài ba năm ông lại ra một đầu sách, cuốn nào cũng dày nặng .

Cuộc sống một thời gian khổ, đói cơm lạt muối cùng tính cách người Nghệ đã tạo nên một Văn Công bản lĩnh, rắn rỏi và rất giản dị. Hồi còn làm lãnh đạo tỉnh, mỗi lần đi công tác về các địa phương, ông thường dỡ cơm mang theo. Nhà báo Phan Thanh Bình ở Báo Phú Yên, nguyên thư ký của Văn Công hồi ông làm Quyền Chủ tịch tỉnh Phú Khánh kể: Một lần ông về một địa phương trong tỉnh để truyền đạt Nghị quyết về giá, lương, tiền. Truyền đạt xong, lãnh đạo địa phương cứ xuýt xoa: “Bấy nay tụi em cứ tăm tăm, mù mù, may nhờ anh Sáu mà bọn em sáng ra.”. Ông không nói gì, mãi đến khi ra xe, dỡ cơm ra ăn, ông mới nói với anh em trong đoàn: “Thực ra thì cái nghị quyết này, tau thấy nhiều chỗ còn lùng bùng trong triển khai thực hiện. Vậy mà các cậu ấy bảo sáng ra, tau không biết sáng ở chỗ mô!?”. Suốt cuộc hành trình, ông không nói chuyện nghị quyết nữa, mà chỉ nói chuyện thơ, văn.

Tác phẩm đã xuất bản: Bất khuất (tập thơ, 1964); Mảnh đất yêu thương (tập thơ, 1978); Khúc hát miền quê (tập thơ, 1985); Miền đất huyền thoại (tập ký, 1990); Vùng đất lửa (tập kỳ, 1990); Trước chiều gió (tập thơ, 1996); Hương đêm (tập thơ, 1996)

Giải thưởng văn học: Hai bài thơ Lòng em và Tiếng hát các em được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương tặng giải nhất (1960); Tập thơ Tiếng hát miền Nam, thơ in chung của nhiều tác giả, được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng (1965).