Mai Anh Tuấn (chữ Hán: 枚英俊, 1815-1851) là một vị quan của triều đại nhà Nguyễn. Mai Anh Tuấn quê ở Thạch Giản, Nga Thạch, Nga Sơn, Thanh Hóa nhưng sinh tại thôn Hoàng Cầu, giáp Đông Các, huyện Vĩnh Thuận – Hà Nội (nay là Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).

                          Vị Tam khôi cầm quân bỏ mình giữ biên ải Mai Anh Tuấn

Gia đình

  • Cha ông là Mai Thế Trinh, tri huyện Thanh Trì. Mẹ ông là bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào (Đống Đa, Hà Nội). Tổ bốn đời của ông là tiến sĩ Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn.
  • Tổ 8 đời nhà ông tên là Châu, vào thời Lê Trung hưng đã theo nghiệp võ tướng, được bổ làm Phụ quốc công thần, tước Toàn quận công, từ đó trở đi gia đình đều là công lao thế phiệt.
  • Ông cố của ông tên là Chuẩn, đỗ Tiến sĩ cập đệ niên hiệu Vĩnh Khánh, đời vua Lê Duy Phường, làm quan đến chức Binh bộ Thị lang, tước Hương lĩnh hầu. Ông nội tên Mông, làm Đồng bình chương sự (tể tướng). Cha ông là Mai Thế Trinh ẩn cư tránh quân Tây Sơn, đến thời nhà Nguyễn, năm Gia Long năm đầu (1802) ra ứng, lúc đầu được bổ chân dật sĩ, sau bổ làm Tri huyện Thanh Trì. Mẹ ông là bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào (Đống Đa, Hà Nội).

Sự nghiệp

  • Năm 1843 đời hoàng đế Thiệu Trị, Mai Anh Tuấn 28 tuổi, thi đỗ Đình nguyên Thám hoa. Ông được bổ làm Hàn lâm Thị độc, làm việc trong Nội các triều đình.
  • Sau một thời gian, ông dâng sớ can hoàng đế Tự Đức không nên phái đoàn quan chức đem thuyền nhà nước tiễn viên quan nhà Thanh, vì quá tốn kém, mà chỉ nên gửi họ theo thuyền buôn. Vua Tự Đức không hài lòng, kết tội ông “khi quân bất kính” và hạ chức, phái đi làm án sát tỉnh Lạng Sơn.
  • Đến Lạng Sơn, ông lo dẹp thổ phỉ để giữ gìn trị an. Năm 1851, quân thổ phỉ nhà Thanh tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên, tiến sâu vào Lạng Sơn. Ông cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lợi. Nhưng sau đó Nguyễn Đạc bị thương. Mai Anh Tuấn đem quân tiếp cứu nhưng gặp địa hình hiểm trở, cả ông và Nguyễn Đạc đều bị giết.

Ghi công

  • Hoàng đế Tự Đức thương tiếc, lệnh đem thi hài ông về an táng tại Hoàng Cầu. Theo lệnh của vua, tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa lập đền thờ ông. Linh vị và bát hương thờ được đặt ở đền Trung Nghĩa tại Hoàng thành Huế, bên cạnh các danh thần nhà Nguyễn. Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại làng Hoàng Cầu (Hà Nội), được dân làng, con cháu thờ cúng đến nay.
  • Tên ông được đặt cho một con phố tại khu vực Hoàng Cầu, quận Đống Đa, nơi ông sinh ra.
  • Tại Thanh Hóa, từ năm học 1999 – 2000, trường cấp III Nga Sơn II đã được đổi tên là trường Trung học phổ thông Mai Anh Tuấn, đóng tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Văn nhân cầm quân anh dũng

  • Mai Anh Tuấn ra nhận chức, mới một tháng, đã đánh được giặc ở Hữu Khánh, được vua ban chỉ khen ngợi. Nhân đó ông dâng sớ: “Xin đình việc lưu quan, bãi việc vận chuyển rèn tập thổ dõng để thư sức cho dân, và ngầm bài xích thế giặc”.
  • Năm 1851, quân thổ phỉ nhà Thanh Thanh do bọn Tam Đường cầm đầu lại tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên, xâm phạm xuống Lộc Bình. Mai Anh Tuấn cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đánh đuổi tới Yên Bác, giặc lùi về giữ Thiết Khê.
  • Lúc này ông bàn xin dừng binh để xem xét thế giặc, nhưng Nguyễn Đạt không theo, cứ đánh trống tiến lên. Mai Anh Tuấn sợ Nguyễn Đạc tiến một mình không có cứu viện, đành đem quân kế tiếp tiến theo.
  • Khi tiền quân đã vào nơi hiểm địa bủa vây trại giặc ở dưới núi, giặc bỏ trại lên núi. Nguyễn Đạc thúc quân tranh nhau tiến công lên. Quân giặc ở trên lăn đá ném loạn xạ như mưa, Nguyễn Đạc bị thương ở chân rồi tử trận.
  • Mai Anh Tuấn trong khi tiến lên, có tin báo về là tiền quân bất lợi mà Nguyễn Đạc đã chết, bộ hạ đều bảo rằng tiến lên cũng vô ích. Nhưng ông khảng khái nói rằng: “Dù Đạc chết, nhưng quân ta vẫn còn kẹt trên núi. Nếu ta không lên thì quân ta chết hết trong tay giặc”, rồi đưa quân tiến tiếp. Bại binh trong rừng rậm thấy cứu viện tới, dần dần kéo về tụ họp.
  • Quân giặc lúc đó rất đông, thừa thế đánh giết, quân ta không địch nổi nên vỡ chạy. Mai Anh Tuấn rút gươm đâm giặc thì bị chúng giết hại. Hôm đó là ngày mùng 6 tháng 4 năm Tự Đức thứ 8 (1855).
  • Tin báo về triều, vua cảm động thương xót, thân bảo thị thần vì đó thở vắn than dài chảy nước mắt, rồi truy tặng cho ông làm Hàn lâm viện Trực học sĩ, lại sai quan đến thăm hỏi người mẹ.

Nhiều người thương tiếc ông. Phạm Văn Nghị làm thơ điếu, có câu:

Quân dĩ thư sinh thí chiết xung,

Hoành qua nhất tử uất cô trung…

Nghĩa là:

Bắt người học trò lao vào trận mạc,

Ngọn giáo đưa; lòng cô trung chỉ một chết mà thôi.