Nhà văn Việt Nam hiện đại- Thanh Hóa
“Nhà văn Việt Nam hiện đại – Thanh Hóa” đây là bộ sách đầy đủ và trang trọng nhất cho đến thời điểm này mà Chi hội Nhà văn Thanh Hóa (CHNVTH) dành tặng cho các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh, mặc dù họ có hay không sinh hoạt tại Chi hội. Chắc chắn nhiều người có mặt trong bộ sách sẽ thầm gửi lời cám ơn chân thành về việc làm đầy tình nghĩa của CHNVTH. Dù không phải là cuốn sách đầu tiên và chi hội đầu tiên làm việc này, mà trước đây, CHNVTH cũng đã cho ra mắt một cuốn sách tương tự, nhưng chưa có điều kiện tập hợp đầy đủ các nhà văn là hội viên HNVVN- Thanh Hóa. Và chi hội ở các tỉnh thành khác như Quảng Bình, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ… cũng đã làm những bộ sách như vậy theo cách riêng của họ.
Tham khảo thủ tục ==> Thành lập doanh nghiệp Thanh Hóa
Bộ sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại- Thanh Hóa” là tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của 88 nhà văn Việt Nam- Thanh Hóa, có 21 nhà văn đã về cõi vĩnh hằng và 67 nhà văn hiện hữu, trong đó 41 người sống và làm việc tại Hà Nội, 12 người sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, 14 người sống và làm việc tại Thanh Hóa. Cũng cần nói thêm rằng số lượng hội viên HNVVN quê Thanh Hóa chiếm tới gần 1/10 tổng số hội viên HNVVN của 64 tỉnh thành trong cả nước, cho thấy văn chương Thanh Hóa khá hùng hậu về mặt lực lượng.
Thứ tự tác giả xuất hiện trong bộ sách được xếp theo thời gian kết nạp vào HNVVN. Tuy nhiên đối với những nhà văn quá cố Ban biên soạn có cách sắp xếp riêng. Đây là cách làm khá mới so với phần lớn các tổng tập văn chương thường xếp thứ tự tác giả theo vần ABC. Với cách làm này dường như các nhà biên soạn muốn gửi đi một thông điệp đến bạn đọc, ngoài cách sắp xếp thứ tự theo truyền thống của các cụ là “triều đình trọng tước (chức vụ), làng nước trọng xỉ (tuổi)” và theo cách tiện ích là xếp theo vần ABC, ở bộ sách này nhóm biên soạn lại xếp theo định danh văn chương, tức là lấy mốc là ngày kết nạp vào HNVVN làm căn cứ cho tiêu chí sắp xếp. Xem ra đây cũng là một cách làm đáng để chúng ta tham khảo.
Đối với các nhà văn còn sống và làm việc được đều đã góp vào đây những tác phẩm mà mình tâm đắc nhất, do chính tác giả tuyển chọn. Còn đối với các nhà văn quá cố hoặc không còn khả năng viết, có thể do người thân trong gia đình hoặc do Ban biên soạn của CHNVTH tuyển chọn. Theo qui định của Ban biên soạn, đối với thơ, mỗi tác giả góp 10 bài. Còn văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, lý luận phê bình và văn chương dịch, mỗi tác giả góp tối đa không quá 15 trang in của bộ sách.
Chỉ riêng việc đọc, biên soạn, dù chỉ là soát lỗi chính tả, được gần 1.220 trang sách trong khoảng thời gian không dài lại chỉ có ba người chịu trách nhiệm chính đã là một cố gắng lớn rất đáng ghi nhận. Chính vì lẽ đó mà nó trở thành một món quà đầy ý nghĩa đối với bằng hữu văn chương đồng hương Thanh Hóa.