Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez
Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez. Tác phẩm được nhà xuất bản Sudamericana xuất bản lần đầu bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm 1967 tại Buenos Aires (Argentina). Cho đến nay, tác phẩm đã chuyển dịch qua hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới trong đó có Việt Nam, được tặng giải Chianchiano của Ý, được Pháp công nhận là cuốn sách hay nhất trong năm và được giới phê bình văn học Mỹ đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960. Đây được coi là một kiệt tác của Gabriel Garcia Marquez. Trăm năm cô đơn đã mang đến cho tác giả vinh dự đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1982.
Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng đang bị kiến ăn, một dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.
Cái tội loạn luân này khởi sự từ việc tên cướp biển Phranxit Đrăc tấn công Riôacha khiến các cụ tổ của Ucsula Igoaran phải chuyển đến lập nghiệp ở một làng hẻo lánh. Tại đây các cụ tổ của Hôsê Accađiô Buênđya đã lập nghiệp bằng nghề trồng thuốc lá. Qua ba thế kỷ, hai dòng họ này đã có quan hệ thâm giao, cháu chắt họ lấy lẫn nhau dẫn tới thảm hoạ đẻ ra một người đàn ông có đuôi lợn. Chính cái gương tày liếp này đã khiến cha mẹ Hôsê Accađiô Buênđya và Ucsula Igoaran tìm mọi cách ngăn cản nhưng họ vẫn cứ lấy nhau. Khi đã là vợ chồng rồi và dẫu Hôsê Accađiô Buênđya tuyên bố “dù có đẻ ra kỳ đà anh cũng cóc cần.” Ucsula Igoaran vẫn sợ đẻ ra đứa con có đuôi lợn, nên khi đi ngủ bao giờ cô cũng mặc chiếc quần trinh tiết do mẹ may cho. Sự việc kéo dài hơn một năm khiến dân làng ngạc nhiên và đồn rằng anh chồng là kẻ bất lực.
Một hôm, bị thua Hôsê Accađiô Buênđya trong một cuộc chọi gà, Pruđênxiô Aghila không kìm được lòng đã đùa bạn: “Tao mừng cho mày và để xem cái con gà này có làm phúc cho vợ mày không”. Vì lời nói đùa ấy anh ta phải trả cả tính mạng.
Nhưng không vì thế, người chiến thắng được sống thanh thản, trái lại lúc nào cũng bị lương tâm dằn vặt đến mức phải bỏ làng tìm đền một miền đất không được hứa trước để lập ra làng Macônđô, để tự lưu đày trong cõi cô đơn trăm năm. Rồi trong cõi cô đơn ấy, những Hôsê Accađiô và những Aurêlianô, những Rêmêđiôt và những Amaranta đã ra đời, sống cuộc đời với số phận bi đát dường như đã được định trước: lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, thấp thỏm lo phạm tội loạn luân.
Trăm năm cô đơn là một tác phẩm có nhiều bình diện, phản ánh một cách độc đáo cuộc sống mọi mặt của các dân tộc ở Mỹ Latinh, kể cả những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của họ. Những con người trong dòng họ này có đầy đủ trí tuệ và sức khoẻ cần thiết, nhưng thiếu trái tim yêu thương sôi nổi. Tình yêu mới là cái cần thiết để thoát khỏi cảnh cô đơn.
Trăm năm cô đơn mang tới thông điệp kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất của mình, vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân để hòa đồng với gia đình, với xã hội.