Phạm Đình Ca, sinh ngày 5 tháng 3 năm 1952, tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Hiện sống ở Đà Lạt. Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1997). Bút danh: Khánh Thi, Đan Tâm, Phạm Quốc Ca

                                                               Nhà thơ Phạm Quốc Ca
  • Năm 1970 nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1977 chuyển ngành học Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra trường làm giảng viên Khoa học xã hội và Nhân văn tại Trường Đại học Đà Lạt.
  • Thể loại: thơ
  • Trong các kỉ yếu truyền thống của Trường cấp III Diễn Châu 2 luôn có hình ảnh cậu học trò nghèo Phạm Quốc Ca từng hai lần đoạt Giải Nhất thi học sinh giỏi môn Văn của tỉnh Nghệ An (1964 và 1970), đã được Bác Hồ tặng huy hiệu (1965). Con đường vào Đại học rộng mở sau Giải Nhất văn lớp 10 của tỉnh Nghệ An, nhưng Phạm Quốc Ca đã cùng các bạn lên đường nhập ngũ (21-4-1970).
  • Người chiến sĩ trẻ mang theo trong ba lô những kỷ niệm quê hương cùng với tập 2 cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Văn hào Nga Lev Tolstoy. Người chiến sĩ trẻ có trái tim lãng mạn và ước mơ cháy bỏng trở thành nhà thơ được sung vào Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 9, chiến đấu ở Campuchia và Đông Nam Bộ.
  • Phạm Quốc Ca đã tham gia Chiến dịch Đường số 6 (Công pông Thom Campuchia), 1971; Chiến dịch Nguyễn Huệ (Bình Long), 1972 và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh, 1975. Vậy là anh đã có hơn năm năm trời lăn lộn với chiến trường cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
  • Dưới bom đạn kẻ thù, người lính yêu văn chương đã thầm lặng viết những bài thơ vào sổ tay. Bài thơ đầu tiên được công bố là bài Trong hầm vây ép, in năm 1972 trên tập san Dũng sĩ của Sư đoàn 9. Năm đó nhà thơ tương lai tròn hai mươi tuổi: “Chúng tôi ở trong hầm vây ép/ Tầm tã mưa trời và mưa sắt thép/ Toàn thân nhuộm đỏ đất quê hương/ Nhìn nhau thêm gần gũi thân thương”…
  • Khi Phạm Quốc Ca từ chiến trường về học Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Khóa 22 (1977-1981), tôi đã có dịp đọc bài thơ đầu tiên của anh được in ở Hà Nội trên báo Độc lập vào cuối năm 1979. Đó là thi phẩm đầy chất lính, vẫn còn ám ảnh mùi khói súng: “Hoàng hôn màu lửa”.
  • Sau đó, anh đều đặn xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đề tài chiến đấu giải phóng đất nước thường xuyên xuất hiện trong các tập thơ của Phạm Quốc Ca. Đặc biệt là những vần thơ viết trong và ngay sau chiến tranh như: “Từ cánh cổng hố bom” (1970); “Mùa xuân ở chốt” (1972); “Cửa rừng” (1975)… Trong chuỗi ký ức nóng bỏng ấy nổi bật thi phẩm “Viết trong ngày giỗ anh”. Với bài thơ này Phạm Quốc Ca đã đoạt Giải Nhất trong Cuộc thi thơ về đề tài Thương binh, liệt sĩ của Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh năm 1984.
  • Trước đó, hồi còn là sinh viên, những bài thơ về chiến tranh của anh cũng đã từng được giải thưởng cao: hai Giải Nhì báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh cho các bài: “Gửi bạn bè lên biên giới Bắc” (1980) và “Từ cánh cổng hố bom” (1981).
  • Gặp lại anh, tôi không thể nào không nhớ lại những câu thơ xúc động tưởng nhớ anh trai, liệt sĩ Phạm Văn Cừ đã hy sinh trên chiến trường Tây Ninh năm 1969: “Em đã tìm anh suốt những cánh rừng/ Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ/ Anh nằm lại nơi đâu?/ Bốn phương trời khói lửa/ Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh”.
  • Tôi ngồi lặng đi nghe tác giả đọc những câu thơ chan chứa tình thương anh, thương mẹ: “Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh về/ Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc/ Em cứ đợi điều không còn có được/Một đêm kia tiếng gõ cửa anh về”. Đúng như anh nói về điều không còn có được, nhưng ước vọng mãi mãi thẳm sâu trong lòng người thi sĩ, như một hoài vọng không cùng. Những câu thơ của Phạm Quốc Ca sau này đều như thế, đầy ước vọng và thấm đẫm tình người.
  • Anh đã viết nhiều bài thơ xúc động về người mẹ nghèo xứ Nghệ. Đồng nghiệp thường nhắc những câu thơ thương mẹ của anh: “Những năm con đánh Mỹ chốn rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con, ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom…”. Phạm Quốc Ca đã mang theo những ký ức nóng bỏng và đầy bi tráng ấy lên Đà Lạt. Anh trở thành giảng viên Trường Đại học Đà Lạt từ tháng 11-1983.
                                         Nhà thơ Phạm Quốc Ca

Các tác phẩm:

  • Tiếng trầm (1987)
  • Chân trời mở (1994) >> Chi tiết
  • Làng trong nỗi nhớ (1996)
  • Giải thưởng văn chương:

Giới thiệu một tác phẩm:

Thăm chị

Chị lấy chồng phía mặt trời gác núi

đường lên xa ngái dốc cùng truông

Nhớ tuổi thơ những chiều mây sấm động

Em lại thương trên ấy mưa nguồn

Sáu năm xa nhà đi đánh giặc

Ngày về cháu nhỏ bám đầy vai

Bát cơm ăn lẫn mừng với tủi

Ngọt bùi sao những sắn cùng khoai

tấm áo len em mua cho mẹ

Mẹ nhường cho chị chị nhường con

Sáu cháu nhỏ tình thương che không kín

cuộc đời xưa vương lại nét buồn

Tháng ba này em về thăm chị

mừng thấy lúa chiêm tốt ngập đồng

Chị kể từ ngày làm ruộng khoán

dựng được nếp nhà dư cái ăn

Cháu lớn vừa tròn mười sáu tuổi

Aó hoa dép lụa tập làm duuyên

tối ấy nghe đài ngâm thơ cậu

Cũng tập ngâm khoe khắp xóm giềng

Bữa cơm dưới mái hiên nhà mới

Vôi vữa thơm nồng như có men

Mưa thuận gió hoà mùa rồi được

một phía lòng em gió tạm yên

Em Về Nhé Em!

Tác giả: Phạm Quốc Ca Chiều chiều em tựa lan can

Gió đưa câu hát bay sang bên này
Mỏng như tơ vấn vương bay
Tôi nghe tiếng hát mang đầy tâm tư.
Lặng thầm ngày tháng qua đi
Rụng tàn lửa phượng, tiếng ve vơi đầu
Lời em như chuyển điệu buồn
“Người ơi…” tiếng dỗi tiếng hờn, tôi nghe…
Chiều nay sao lặng thế kia?
Mang theo tiếng hát, em đi mất rồi!
Vắng em, tôi hiểu lòng tôi
Hiểu ra tiếng hát, tôi ngồi thương em.
Bao giờ lại đến mùa sen
Cho bà hàng xóm đón em nghỉ hè?
Khát nghe lời hát bên kia
Tôi ngồi thẳng gọi: “Em về nhé em!”