“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm truyện dài tám phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.

Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Lượm là nhân vật chiếm tỉ trọng lớn trong câu chuyện, sinh ra trong gia đình cách mạng nòi. Cha của Lượm bị bắt và đày ra Côn Đảo rồi chết ở đó rồi tên ông được đặt cho một con đường dưới đó. Lượm gia nhập Vệ quốc Đoàn rồi được cử về trinh sát bám địch trong thành phố Huế chung với Đồng râu, Kim điệu và Tư dát và kết bạn với Tặng, trinh sát địa phương. Sau thời gian hoạt động trót lọt, Kim điệu bị bắt và khai hết về đội khiến Đồng râu bị giết và Lượm bị bắt vào tù cùng với Thúi – một em bé bán kẹo gừng bị giặc tưởng nhầm là Tư dát, Kim điệu quay sang làm điệp viên cho giặc. Sau hai lần vượt ngục không thành và bị chuyển sang nhà lao Thừa phủ. Lượm và Thúi (chú bé bán kẹo gừng bị bắt nhầm thay cho Tư dát, tên thật là Thơm nhưng bị mụ chủ Cả Lễ đổi tên) kết hợp với Lép sẹo-một tay anh chị nhí cùng ở tù và lập kế hoạch vượt ngục lần ba.

Mừng là nhân vật xuất hiện sớm nhất,nhà nghèo, mẹ bệnh suyễn nặng và bị người cha nuôi lợi dụng bóc lột. Mừng tham gia vào “Vệ quốc đoàn” (Đội thiếu niên trinh sát) chỉ vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi để chữa hen suyễn cho mẹ. Sau khi gia nhập Mừng lập chiến công dẫn đường cho các chiến sĩ đi đánh “ngôi lầu kiên cố của thằng thực dân cáo già Lơ-bơ-rít”. Mừng nhờ người đưa lá tầm gửi về cho mẹ rồi tiếp tục theo bộ đội rút lên chiến khu, tại chiến khu em làm liên lạc. Mừng phát hiện âm mưu ăn cắp bản đồ của Kim điệu – gián điệp của quân đội Pháp trà trộn vào chiến khu. Mừng cố ngăn chặn nhưng không được và bị cả chiến khu nghi là Việt gian. Em hy sinh khi giúp bộ đội giật bom giết địch lúc quân Pháp siết chặt vòng vây vào chiến khu Hòa Mỹ.

Quỳnh “sơn ca” là con trai của phó tổng trấn Trung Kỳ, giỏi chơi đàn piano, bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Em trở thành quản ca của đoàn. Trước cuộc đánh bom dinh của Lơ-bơ-rít, Quỳnh đạp miếng chai vỡ nhưng vẫn cố sức đi theo và phải nhờ Mừng cứu mang về trại, Quỳnh nằm viện quân y và mang tiếng đàn phục vụ nhưng bệnh nhân khác, em sáng tác bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến” cổ vũ tinh thần đấu tranh của bộ đội và viết một vở nhạc kịch về bạn Mừng đi tím thuốc cho mẹ. Bố mẹ Quỳnh nhờ người lên chiến khu xin cho Quỳnh về và đưa sang Thụy Sĩ ăn học, uất ức trước những việc làm phản quốc của gia đình, Quỳnh vỡ tim mà chết và được chiến khu làm lễ mai táng.

Bằng những lời văn hết sức chân thực, Phùng Quán đã đưa chúng ta về thời máu lửa mà các em đã sống, đã chiến đấu và hi sinh để rồi rơi lệ vì những hành động, sự hi sinh hết sức dũng cảm của những cậu bé thiếu niên ấy.

Đọc tác phẩm “ Tuổi thơ dữ dội ” chính là đọc lại một phần lịch sử của tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào. Đây chính là cuốn sách làm thay đổi cuộc đời mà các bạn nên tìm đọc để hiểu hơn về cuộc sống khổ cực trăm bề nhưng cũng rất đỗi tự hào của cả một thế hệ thanh thiếu niên đi trước.

Chúng ta, những người được sinh ra trong thời bình cần biết ơn sâu sắc công lao to lớn của thế hệ trước đã hi sinh xương máu để được giành độc lập như ngày hôm nay.Từ đó, mỗi chúng ta có thể tự suy ngẫm, tự xác định cho mình một con đường cũng như một lí tưởng sống sao cho đúng đắn và có ích đối với quê hương đất nước.

Đọc giả hãy tìm và đọc tác phầm Tuổi Thơ Dữ Dội của nhà văn Phùng Quán để hiểu hơn về tuổi thơ của những em bé sống trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ Quốc.